Nghe bạn bè giới thiệu bộ phim “Lion King” đang chiếu rạp, Nguyễn Xuân Hưng (8 tuổi ở thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng ao ước được mẹ dẫn đi xem. Tuy nhiên, với những đứa trẻ ở thị xã toàn khu công nghiệp, luôn tấp nập container ra vào, không rạp chiếu phim, ít trung tâm thương mại đồ sộ, ước mơ đó không hề dễ dàng.
Biết kỳ vọng của con song chị Bùi Thị Phượng – mẹ Hưng chưa thể sắp xếp thời gian đưa cậu đi bởi rạp chiếu phim nằm ở trung tâm thương mại cách nhà hơn 20km. 20 năm sinh sống ở đây, chị vẫn quen gọi Dĩ An là “thị xã container” bởi từ ngày có khu công nghiệp, Dĩ An luôn tất bật xe cộ đi lại. Nơi đây cũng dần lột xác với cơ sở hạ tầng, dịch vụ đầy đủ hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Ngoài những khu công nghiệp, Dĩ An không hề tồn tại những đặc trưng của một thị xã sát ngay TP HCM: không chung cư cao cấp, không trung tâm thương mại hay rạp chiếu phim, ít nhà cao tầng hay trung tâm tài chính…
Gia đình chị và người dân nơi đây cũng mong ngóng về trung tâm thương mại Vincom đầu tiên có rạp chiếu phim để đi lại đỡ vất vả nhưng đó vẫn là những tòa nhà đang xây dựng, chưa vận hành. Thông tin thị xã sắp lên thành phố cũng nhen nhóm ước mơ về phố thị đầy đủ tiện ích, những ngôi nhà cao tầng khang trang.
Dĩ An tiếp giáp với 2 thành phố là Biên Hòa và TP HCM, đồng thời là cửa ngõ quan trọng để đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những nơi tập trung nhiều khu chế xuất với 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, KCN Tân Bình, Cụm công nghiệp may mặc Bình An.
Năm 2018, tình hình kinh tế – xã hội của Dĩ An phát triển ổn định. Theo thống kê của UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã ước đạt 89.198 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lên đến 67.703 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp ước thực hiện 23.045 tỷ đồng.
Đầu tháng 7, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp thông qua tờ trình và dự thảo nghị quyết đề nghị thông qua đề án thành lập thành phố Dĩ An. Theo đó, Dĩ An đã đạt 5/5 tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc tỉnh về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc. Năm 2017, thị xã được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III và hiện nay đã cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II.
Để đạt kết quả này, thời gian qua, thị xã tận dụng tiềm năng và thế mạnh của địa phương để tạo nguồn lực dồi dào phục vụ xây dựng và phát triển thương mại dịch và đô thị, với trọng tâm là phát triển phong phú, đa dạng các ngành, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao…
Bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng. Trong 3 năm qua, Dĩ An đã đầu tư 47 công trình chỉnh trang đô thị, bảo đảm an toàn giao thông với tổng vốn 64,78 tỷ đồng. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, UBND thị xã đã và đang tập trung đầu tư 10 tuyến đường thị xã quản lý.
Đầu tháng 9, bến xe Miền Đông Mới nằm trên địa bàn phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An sẽ được đưa vào vận hành. Dự án này có quy mô 16 ha với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Hiện, bến xe này đã hoàn thiện khoảng 95% tổng khối lượng công việc, khi đưa vào vận hành sẽ biến Dĩ An trở thành đầu mối giao thông của toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ.
Từ vùng đất hỗn hợp gồm khu dân cư và nhà máy tiểu công nghiệp chưa có quy hoạch bài bản và dài hạn, đến nay, thị xã Dĩ An đã thay da đổi thịt, từng bước hiện đại hơn.
TS. Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia địa ốc TP HCM nhận định, với tốc độ phát triển nhanh, nếu trở thành thành phố, Dĩ An sẽ không chỉ có khu công nghiệp, những con đường đầy container mà sẽ mọc lên nhiều công trình tiện ích phục vụ người dân với những tòa chung cư cao cấp, những trung tâm thương mại đồ sộ, tòa tháp cao tầng hay những con phố mua sắm đầy những thương hiệu nổi tiếng về đêm.
Tiện ích đầu tiên là Vincom Plaza đã hoàn thiện hết toàn bộ mặt ngoài và đang gấp rút hoàn thiện mặt trong để đưa vào khai trương trong 2-3 tháng tới. Khi khai trương, trung tâm thương mại này sẽ mang đến nhiều tiện ích chưa từng xuất hiện tại thị xã Dĩ An như khu siêu thị Vinmart, Vinpro, chuỗi nhà hàng ẩm thực đa quốc gia, rạp chiếu phim, khu phố đi bộ sầm uất.
Khi Vincom vận hành, lần đầu tiên, Dĩ An sẽ có một con phố đi bộ rực rỡ ánh đèn, hiện diện hàng chục các nhà hàng ẩm thực đa quốc gia, những cửa hiệu thời trang của những thương hiệu uy tín với những khu giải trí cho trẻ em và người lớn quy mô hàng đầu Bình Dương. Ngoài Vincom Plaza, sắp tới, Dĩ An còn có cả những tòa nhà cao tầng, khách sạn, khu phức hợp sang trọng.
Cuối năm nay, Tập đoàn DCT Group dự kiến sẽ khởi công xây dựng khu khách sạn 4 sao Charm Dĩ An Boutique Hotel đầu tiên của Dĩ An trong khu đô thị Charm City. Đây cũng là tổ hợp khách sạn 4 sao lớn và sang trọng với quy mô hàng trăm phòng khách sạn cho các chuyên gia nước ngoài thuê dài hạn. Khu khách sạn này còn có hồ bơi trên cao sang trọng, chuỗi nhà hàng, cafe và sảnh đón đẳng cấp 5 sao. Khách sạn cũng được vận hành bởi một thương hiệu quản lý khách sạn uy tín quốc tế.
Chủ đầu tư dự án Charm City còn mạnh tay chi gần trăm tỷ để phát triển chuỗi tiện ích cao cấp như tổ hợp hồ bơi liên hoàn 2.000 m2 với 3 hồ bơi: khu hồ bơi ốc đảo gần 1.000m2, khu hồ bơi tràn có quy mô gần 500m2 và khu hồ bơi tiêu chuẩn Olympic cũng rộng 500m2. Ở độ cao100m, chủ đầu tư DCT Group còn gây ấn tượng khi phát triển hệ thống Sky Garden kết hợp Chill Bar.
“Có Vincom Plaza, khu phức hợp hạng sang, khách sạn 4 sao quy mô, Dĩ An sẽ trở thành nơi thu hút chuyên gia nước ngoài của cả Bình Dương về đây lưu trú”, chủ đầu tư cho biết.
Ngoài Charm City, Charm Dĩ An Boutique Hotel, Dĩ An trong năm tới sẽ còn có nhiều toà nhà cao tầng mọc lên, mang đến một nhịp sống mới hiện đại hơn như Bcons Garden, Bcons Suối Tiên, Opal Boulevard…
Với chị Phượng và gia đình, những dự án này sẽ hiện thực hóa ước mơ về một thành phố hiện đại, tiện nghi.
Theo vnexxpress.net (https://vnexpress.net/longform/cu-chuyen-minh-cua-thi-xa-container-di-an-3970399.html?fbclid=IwAR3kehZWZXGiPOYj77_CCy8TmcopvipGkXg8eM9SM3ijevZzhjAkHBJ6A1k)